[​IMG]
Bất kể bạn đang phải qua đêm tại khách sạn hay ngủ nhờ ở nhà một ai đó, bạn không thể nào thấy ngon giấc được như khi ngủ tại nhà mình, trên chiếc giường quen thuộc của mình, tại sao lại như vậy?

Trong một nghiên cứu sơ bộ được công bố trên Current Biology, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Brown đã phát hiện ra những gì xảy ra trong não bộ khi một người ngủ tại những địa điểm xa lạ. Họ đã theo dõi các thông số và hoạt động của não bộ trong suốt thời gian ngủ sâu của những người trẻ (trong khoảng 35 tuổi) và khoẻ mạnh để tìm ra lý do.

Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng về một thứ gì đó rất đặc biệt và độc nhất xảy ra trong não bộ trong suốt đêm đầu tiên một người phải ngủ ở nơi xa lạ: đó chính là việc bán cầu não trái của con người thể hiện sự tỉnh táo hoàn toàn trong khi bán cầu não phải thể hiện trạng thái ngủ. Việc một bán cầu não ở trạng thái tỉnh trong suốt giấc ngủ cũng được xác nhận ở các loại động vật như cá voi, cá heo và các loài chim và đây được cho là một dạng của "phiên gác đêm".

Nhà khoa học Masako Tamaki, một trong các tác giả của nghiên cứu nói trên và là cộng sự tại Phòng Thí nghiệm về Nhận thức và học tập qua Tri giác thuộc Đại học Brown nói: "Khi môi trường là quá mới mẻ đối với chúng ta, cơ thể có thể sẽ cần một hệ thống giám sát để giúp chúng ta cảnh giác với tất cả những gì diễn ra xung quanh và nhờ đó mà mọi điều bất thường xảy ra sẽ dễ dàng được nhận biết hơn." Như các bạn đều biết, chúng ta rất bị động và mong manh trước các mối hiểm nguy trong lúc ngủ vì vậy nói một cách khác, cơ chế "nửa thức ngửa ngủ" của não bộ được kích hoạt khi chúng ta ngủ ở một nơi xa lạ chính là một cơ chế bảo vệ của cơ thể.

Tuy nhiên, nghiên cứu nói trên cũng nêu ra hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải; các nhà khoa học vẫn không biết tại sao hiệu ứng này lại chỉ diễn ra với bán cầu não trái mà không phải là bán cầu não phải? Một điều thú vị khác nữa là hiện tượng này chỉ xảy ra trong đêm đầu tiên ngủ tại chỗ lạ mà thôi.

Theo TIME